"Cuốn sách có ngôn từ đơn giản, mộc mạc, và đầy yêu thương (mong người đọc cũng cảm nhận được vậy) nhưng với mình là bao câu chuyện trong đó."
Dưới đây là tâm sự của TS. Linh Phùng về cuốn sách Tug of Words (bản đơn ngữ) và Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ (bản song ngữ Anh-Việt). Cuốn sách được xuất bản đầu năm 2022 và có bán trên Amazon tại link này và một số hiệu sách khác. Thông tin đầy đủ về cuốn sách có tại: www.eduling.org/hl.
Sách là tấm gương phản chiếu (mirror) để trẻ em thấy ngôn ngữ, văn hóa, danh tính … của mình trong đó và để các em biết mình được xã hội trân trọng. Sách là cửa sổ (window) để các em nhìn thấy một thế giới khác và chỗ đứng của mình trong đó. Sách là tấm cửa mở (sliding glass door) mà các em có thể bước qua để thấy và kết nối với những điều mới lạ. (Trích ẩn dụ của Bishop (1990) khi bàn về đa dạng hóa sách thiếu nhi). Trong bối cảnh nước Mỹ mà mình sinh sống, khi sách thiếu nhi thiếu tính đa dạng về văn hóa, màu da, sắc tộc, và ngôn ngữ, các em nhỏ có thể thấy mình kém được trân trọng và có thể mất đi sự tự tin về bản thân. Thế nên mình quyết định xuất bản Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ (bản song ngữ) và Tug of Words (bản đơn ngữ) để kể câu chuyện nhỏ của gia đình và đóng góp một phần cho sự đa dạng của sách thiếu nhi. Khi chọn sách cho con, có khi nào bạn tự hỏi: Sách của con đã đa dạng chưa? Bạn có những sách tiếng Anh mà nhân vật không phải là người da trắng không? Tại sao các em ít khi được thấy những nhóm người khác nhau trong sách?
Cuốn Tug of Words của mình dài 32 trang với ngôn từ đơn giản, mộc mạc, và đầy yêu thương (mong người đọc cũng cảm nhận được vậy) nhưng với mình là bao câu chuyện trong đó.
· Nó là câu chuyện về gia đình đa chủng tộc của mình.
· Nó là câu chuyện về làn da nâu và mái tóc xoăn của con tưởng đơn giản nhưng với bao hàm ý cho tương lai của con.
· Nó là câu chuyện con trở thành con gái mình và hứa hẹn là bạn “thân thương” của mình mãi mãi (Con có lần nói: I’m your daughter. I’m your friend.)
· Nó là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam với trò “kéo co” nhưng là kéo co ngôn ngữ
· Nó là những hội thoại hàng ngày trong gia đình với những câu từ trái ngược và những quan sát rất bất ngờ của con như “I can’t fly.”
· Nó cũng là mong muốn phát triển hai ngôn ngữ cho con trong khi tài liệu gần gũi bằng tiếng Việt ở Mỹ còn chưa nhiều.
Sách cũng lấy cảm hứng từ một cuốn sách gồm những từ trái nghĩa khác. Khi mình đọc cuốn sách đó cho con, mình rất ngạc nhiên là con học được những khái niệm trái nghĩa rất nhanh khi mới khoảng 2 tuổi: những khái niệm như front-back, wild-tame, stop-go. Mình đọc một từ, thì con đọc từ kia.
Ngoài ra, mình muốn chia sẻ rằng sách là sản phẩm nhưng cũng là cái cớ để mình kết nối với gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp: Với họa sĩ Sylvie Pham, người vẽ lên những bức minh họa cũng tràn đầy hạnh phúc và yêu thương, với bạn bè giúp mình chỉnh sửa sách và chia sẻ những thứ nhỏ nhặt nhất như gửi sách thế nào, với gia đình ở Việt Nam hết sức ủng hộ mình, với bạn bè cổ vũ qua hết post Facebook này đến Facebook khác, với bạn bè và đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới mua sách trước và sau khi xuất bản, và với nhiều gia đình đọc sách và thấy được chút đồng cảm hay thú vị nào đó trong các chi tiết của cuốn sách.
Xin được chia sẻ tâm tư của mình qua cuốn sách và mong được kết nối với các bạn qua những gì chúng ta đọc cùng nhau và nếu bạn có câu chuyện muốn kể, tại sao lại không nhỉ?
Commenti